“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mà mang lại cho Đời đầy trái ngọt hoa tươi”
(Có một nghề như thế_Đinh Văn Nhã)
Khoảng 27 thế kỷ trước, ở phương Đông, Khổng Tử cho rằng: “Giáo dục, phát triển trí đức là chìa khóa để phát triển kinh tế, đồng thời phát triển kinh tế là cơ sở cho phát triển giáo dục và dân trí”. Ở phương Tây, thời kỳ Phục hưng và Cận đại, nhà toán học và là triết gia Leibniz (1646 – 1716) tuyên bố mạnh mẽ rằng: “Ai làm chủ giáo dục thì có thể thay đổi thế giới”. Đến thời kỳ hiện đại, ở châu Mỹ, nếu như John Dewey (1859-1952) – Nhà triết học Mỹ khai sinh ra giáo dục thực nghiệm khẳng định vai trò của giáo dục nói chung rằng: “Giáo dục là phương thức cơ bản của tiến bộ và cải cách xã hội” thì Giáo sư Clark Kerr, nguyên Hiệu trưởng danh dự Viện Đại học California, một nhà lãnh đạo giáo dục đại học hàng đầu của Hoa Kỳ khẳng định vai trò của nhà trường (1958) là: “Trong mắt của công chúng, các diễn viên trên vũ đài thế giới có thể là các vận động viên và các chính trị gia, tướng lãnh và nhà ngoại giao, nhưng không ai có thể dám làm ngơ các lớp học, các phòng thí nghiệm và thư viện, những thứ vốn ở hậu trường nhưng ở đó lịch sử thật sự được làm ra”.
Nhận thức tầm quan trọng của giáo dục, năm 1946, Tổ chức Quốc tế các nhà giáo tiến bộ ra đời với tên gọi là “Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục” (FISE). Vào năm 1957, tại Vacsava (Ba Lan), Hội nghị FISE có 57 nước tham dự đã quyết định lấy ngày 20/11 là Ngày Quốc tế Hiến chương Nhà giáo. Năm 1958, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức kỷ niệm ngày 20-11. Đến ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 167/HĐBT chính thức lấy ngày 20/11 làm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sự kiện này cho thấy Đảng, Nhà nước đánh giá cao vị trí, vai trò của nhà giáo, nghề giáo. Và ngày 20/11 đã đi vào lịch sử các ngày hội truyền thống của toàn dân.
Hôm nay là một ngày đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả chúng ta, đó là Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Mặc dù trải qua 40 năm kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam nhưng truyền thống tôn vinh nhà giáo của dân tộc ta đã có từ lâu đời. Thật vậy, không phải có ngày 20/11 thì dân tộc Việt Nam mới coi trọng nghề giáo mà từ ngàn xưa, dân tộc ta, ai trong chúng ta cũng nằm lòng những câu, đó là: “Tôn sư trọng đạo”, tôn vinh “Nghề giáo là nghề cao quý nhất” và xem “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”,… xem nó như là nguyên tắc đạo đức của con người. Dân tộc Việt Nam rất tự hào vì sự xuất hiện của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh như là biểu tượng sáng ngời của sự tích hợp văn hóa Đông – Tây trên cơ sở truyền thống văn hóa dân tộc. Tiếp thu tinh hoa tư tưởng phương Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Tất cả điều này đã khắc ghi trong tâm khảm của người Việt Nam và trở thành nét đẹp, trở thành giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Và chúng tôi tin rằng, cho dù xã hội đương đại đang và sẽ còn nhiều biến đổi, nhưng những giá trị và nét đẹp đó vẫn trường tồn cùng với dân tộc.
Hoà mình vào không khí tưng bừng phấn khởi của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang lan tỏa khắp cả nước, một ngày trọng đại và ý nghĩa lớn hướng về ngành giáo dục, hướng về quý Thầy Cô, Viện Đào tạo Quốc tế – Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM (SaigonISB) xin gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến các thế hệ nhà giáo, những người đã và đang cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Kính chúc quý thầy cô một năm học thật thành công và gặt hái được nhiều thành quả trong giáo dục, luôn cháy lên một ngọn lửa nhiệt thành từng ngày đưa các thế hệ học trò đến bến bờ thành công.
Xin chân thành cảm ơn tất cả các Thầy Cô!
HUB-SaigonISB
===========================================
VIỆN ĐÀO TẠO QUỐC TẾ
39 Hàm Nghi, P.Nguyễn Thái Bình, Q1, TP.HCM
56 Hoàng Diệu 2, Phường Linh Chiểu, Thủ Đức, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3821 4660
Chương trình đại học:
Hotline: 0865 118 128 Email: saigonisb.ba@hub.edu.vn